Dành cho mẹ bầu: Ứng phó những biến chứng không mong đợi khi mang thai

Biết cách ứng phó những biến chứng không mong đợi khi mang thai của các mẹ bầu và gia đình cũng là một cách hiệu quả để có thể ngăn ngừa những điều không may đến với người mẹ và thai nhi trong quá trình mang thai. Hầu hết, các biến chứng thường gặp trong thai kỳ đều sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của mẹ và em bé. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những biến chứng khi mang thai để cùng tìm cách phòng ngừa hiệu quả.

Thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là biến chứng thường gặp đầu tiên ngay khi trứng bắt đầu được thụ tinh thành phôi thai. Trứng làm tổ bên ngoài buồng tử cung thì sẽ được chẩn đoán là thai ngoài tử cung và sẽ phải đình chỉ thai kỳ. Nếu để hiện tượng này xảy ra quá lâu sẽ khiến vỡ ống dẫn trứng gây nguy hiểm cho tính mạng của thai phụ.

Thai ngoài tử cung là hiện tượng phôi thai hình thành ở vòi dẫn trứng

Cách ứng phó: hiện nay vẫn chưa xác định được cách để phòng tránh cho biến chứng thai ngoài tử cung. Vì vậy, đối với biến chứng thai ngoài tử cung, thai phụ sẽ được bác sĩ chỉ định đình chỉ thai kỳ bằng các phương pháp như: sử dụng thuốc, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật mổ mở. Tùy vào vị trí và kích thước của thai sẽ có phác đồ điều trị riêng cho bệnh nhân.

Sảy thai

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sảy thai trong suốt thời kỳ mang bầu của người mẹ, có những nguyên nhân chủ quan và cả khách quan. Tuy nhiên, thông thường trong tam cá nguyệt thứ nhất, tỷ lệ sảy thai thường cao hơn rất nhiều so với những phụ nữ khi mang thai ở tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3. Bởi vì lúc này, phôi thai mới bắt đầu làm tổ trong buồng tử cung, thai nhi cũng đang trong quá trình hình thành nên còn rất non nớt. Những vận động mạnh hoặc những vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý mẹ bầu sẽ có thể gây ra hiện tượng sảy thai. Ngoài ra, một số các bất thường của bộ nhiễm sắc thể cũng là nguyên nhân gây sảy thai.
Khi thấy dịch âm đạo có màu nâu hoặc ra máu bất thường, phụ nữ khi mang thai cần phải đi khám ngay lập tức bởi đây là những dấu hiệu đầu tiên của việc thai nhi có vấn đề, hoặc sảy thai.
Cách ứng phó: Để hạn chế tối đa nguy cơ sảy thai, thai phụ cần phải nghỉ ngơi nhiều, hạn chế vận động đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Sinh non

Một em bé phát triển bình thường, khỏe mạnh thường sẽ chào đời ở tuần thứ 38 – 40 của thai kỳ. Tuy nhiên, vẫn có những em bé được sinh ra sớm hơn thời điểm dự kiến vào khoảng tuần thứ 36 – 37. Mốc thời gian này có thể coi là đủ đảm bảo sức khỏe của em bé để chào đời. Bên cạnh đó, một vài trường hợp em bé được sinh ra ở trước tuần 36, đây được gọi là hiện tượng sinh non.

Các em bé chào đời ở thời điểm trước 36 tuần được gọi là sinh non

Sinh non (sinh thiếu tháng) sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và sự phát triển của em bé trong tương lai.
Cách ứng phó: khi mẹ bầu ở những tháng giữa, cuối thai kỳ cần phải có sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ để đánh giá tình trạng sức khỏe thai nhi. Bên cạnh đó, khi gặp những cơn đau bụng, co thắt phải nghỉ ngơi, hạn chế vận động và tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi.

Tiền sản giật

Tiền sản giật là một trong những biến chứng vô cùng nguy hiểm trong thai kỳ. Trong suốt quá trình mang thai, người mẹ sẽ tiến hành làm các xét nghiệm nước tiểu để đánh giá lượng protein có trong nước tiểu. Nếu lượng protein cao cùng với huyết áp cao thì mẹ bầu được chẩn đoán là bị tiền sản giật.
Biến chứng tiền sản giật gây nên hậu quả rất nghiêm trọng cho cả thai phụ và em bé, đặc biệt là trong quá trình sinh nở.
Cách ứng phó: Để xác định mình có nguy cơ bị tiền sản giật hay không, các mẹ bầu phải thực hiện đủ các xét nghiệm trong thai kỳ. Đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra tiền sản giật, tuy nhiên, một số nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả khi bổ sung đủ canxi trong thai kỳ sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên cân bằng lượng dinh dưỡng, ăn ít loại tinh bột, đường. Và đặc biệt tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích.

Tiểu đường thai kỳ

Lượng đường huyết có trong máu phụ nữ khi mang thai sẽ được kiểm tra thường xuyên từ tuần thứ 20 của thai kỳ. Việc xác định lượng đường huyết sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán liệu người mẹ có đang mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hay không, và sẽ được theo dõi chặt chẽ nếu mẹ bầu có nguy cơ hoặc đã mắc tiểu đường thai kỳ.

 Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ sẽ đánh giá được lượng đường huyết có trong máu phụ nữ có thai

Biến chứng tiểu đường thai kỳ cũng rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé, đặc biệt là các vấn đề về tim. Bên cạnh đó, nếu phụ nữ mắc chứng tiểu đường thai kỳ cũng sẽ được chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và con.
Cách ứng phó: Để hạn chế mắc phải biến chứng tiểu đường thai kỳ, phụ nữ khi mang thai phải điều chỉnh cân bằng lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể. Đặc biệt, tích cực vận động để rèn luyện thể chất với những bài tập dành riêng cho bà bầu.

Thiếu ối

Nước ối có chức năng bảo vệ em bé và giúp em bé phát triển khỏe mạnh trong buồng tử cung của người mẹ. Hiện tượng thiếu ối không phải là hiếm gặp ở các bà mẹ mang thai. Khi gặp hiện tượng thiếu ối qua chẩn đoán của bác sĩ, các mẹ sẽ được theo dõi và hướng dẫn chi tiết để làm tăng lượng ối, giúp bảo vệ bé yêu an toàn.

Nước dừa có tác dụng tốt trong việc bổ sung lượng nước ối cần thiết trong quá trình mang thai

Cách ứng phó: Để bổ sung lượng ối, phụ nữ khi mang thai cần phải bổ sung đủ lượng nước yêu cầu hằng ngày (từ 2 – 3 lít). Ngoài ra, việc uống thêm nước dừa ở những tháng cuối thai kỳ cũng sẽ giúp bổ sung lượng ối nhanh chóng.

Nhau bám thấp

Vị trí của nhau thai trong buồng tử cung thường ở mặt trước, mặt sau tử cung. Khi gặp hiện tượng nhau bám thấp, lúc này, nhau thai nằm ở phía dưới đáy của tử cung. Thông qua việc siêu âm, các bác sĩ sản khoa có thể dễ dàng phát hiện bất thường thai kỳ này. Việc nhau bám thấp sẽ gây chảy máu và có nguy cơ sinh non.
Việc phát hiện sớm vị trí bất thường của nhau thai sẽ giúp các bác sĩ có những chẩn đoán, chỉ định cho mẹ bầu trong việc sinh hoạt, di chuyển. Bên cạnh đó, một số trường hợp sẽ cần phải mổ chủ động lấy thai để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của em bé
Cách ứng phó: Mẹ bầu cần nên định kỳ đi thăm khám ít nhất 1 tháng/ lần để phát hiện sớm hiện tượng nhau bám thấp. Ngoài ra tránh vận động mạnh, hạn chế đi lại nhiều trong những tháng cuối của thai sản.
Trên đây là một số những biến chứng sản khoa thường gặp và cách ứng phó những biến chứng không mong đợi khi mang thai. Quá trình mang thai là một hành trình đầy vất vả của người phụ nữ. Vì vậy, để có thể hạn chế tối đa những biến chứng, cần phải chuẩn bị cho mình những kiến thức cho mẹ bầu để bảo vệ sức khỏe của mình và bé yêu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.